THỊ TRƯỜNG VÀNG CUỐI TUẦN GIẢM MẠNH SAU KHI VƯỢT MỐC 1950 USD/OZ.
Cụ thể, trong phiên giao dịch kết thúc ngày 4/2, hợp đồng vàng giao ngay lùi 2.5% xuống 1864.79 USD/oz, và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2022. Hợp đồng vàng tương lai mất 2.7% còn 1878.10 USD/oz.
Trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường Vàng tiếp tục giảm mạnh. Trong phiên hiện nay, mỗi oz Vàng trên sàn Thế Giới niêm yết ở mức khoảng 1865 USD. Tức khi qui đổi tương đương theo tỉ giá ngoại tệ hiện hành thì mỗi lượng Vàng trên sàn Thế Giới có giá khoảng 53,31 triệu VND (chưa bao gồm thuế và phí vận chuyển). So sánh với giá Vàng trong nước trong phiên hiện nay, tính trên một lượng Vàng, hai thị trường hiện chênh nhau khoảng 13,989 triệu VND.
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ THẾ GIỚI.
Đồng Dollar Mỹ: chỉ số US Dollar Index, chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng mạnh 1,24%, hiện ở mốc 102,99 điểm.
Đồng USD tăng vọt vào phiên giao dịch cuối tuần, sau khi dữ liệu việc làm ở Mỹ tăng trong tháng 1, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải tiếp tục lộ trình tăng lãi suất.
Báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng thêm 517.000 việc làm vào tháng trước, cao hơn so với con số 260.000 việc làm trong tháng 12. Ngoài ra, thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,3%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 12. Điều đó đã hạ mức tăng lương hàng năm xuống 4,4% từ 4,8% trong tháng 12.
Trước đó, các quan chức của Fed vào tháng 12 cho biết, họ dự kiến sẽ tăng lãi suất qua đêm chuẩn của ngân hàng trung ương lên trên 5%. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đã đặt cược rằng, lãi suất sẽ đạt đỉnh dưới mức 5% và Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Ở diễn biến ngược lại đồng Euro giảm 0,57% xuống còn 1,08490 USD.
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ TRONG NƯỚC.
Tỷ giá USD sáng nay (4/2), thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước. Các ngân hàng vẫn cơ bản niêm yết ngang giá so với hôm qua. Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 4/2 ở mức 23.606 đồng, đi ngang so với mức công bố trước.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn cơ bản đi ngang so với phiên trước. Cụ thể, lúc 9 giờ 25 phút, Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.250 – 23.620 VND mỗi USD, cơ bản đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
BIDV niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.300 – 23.600 VND mỗi USD, đi ngang cả chiều mua và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Techcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.280 – 23.630 VND mỗi USD, giảm 4 VND mỗi USD chiều mua vào, nhưng tăng 10 VND mỗi USD chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Eximbank niêm yết giá mua – bán USD giao dịch ở mức 23.300 – 23.580 VND mỗi USD, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp so với phiên trước. Tại thị trường Hà Nội, lúc 9 giờ 25 phút, đồng USD giao dịch (mua – bán) ở quanh mức 23.530 – 23.548 VND mỗi USD, tăng mạnh 99 VND mỗi USD chiều mua và tăng 52 VND mỗi USD chiều bán ra so với phiên trước.
Đồng USD trên thị trường thế giới sáng nay tiếp tục tăng mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt tăng 1,22% so với phiên trước, lên mức 102.990 điểm, vào lúc 9 giờ 25 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Tỷ giá các ngoại tệ mạnh khác trong giỏ thanh toán quốc tế tại Vietcombank, hôm nay, cơ bản niêm yết ngang giá so với phiên trước.
Cụ thể, tỷ giá đồng EUR, giao dịch mua – bán tại Vietcombank quanh mức 24.892– 26.186 VND mỗi EUR.
Đồng bảng Anh, tại Vietcombank giao dịch mua – bán quanh mốc 27.897 – 29.086 VND mỗi GBP.
Tỷ giá đồng france Thụy Sĩ, giao dịch tại Vietcombank mua – bán ở quanh mức 25.014 – 26.080 VND mỗi CHF.
Đồng đô la Canada, giao dịch mua – bán tại Vietcombank ở quanh mức 17.155 – 17.887 VND mỗi CAD.
Tỷ giá đô la Úc, tại Vietcombank giao dịch mua – bán ở quanh mức 16.153 – 16.842 VND mỗi AUD.
Tỷ giá yên Nhật, giữ giá chiều mua vào và chiều bán ra, giao dịch mua – bán quanh mốc 177 – 187 VND mỗi JPY.
ĐIỂM TIN QUAN TRỌNG TRONG NGÀY.
1/ Theo Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %, dự định sẽ tiếp tục tăng (vietnambiz.vn)– Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %, dự định sẽ tiếp tục tăng
Sau cuộc họp đầu tiên của năm 2023 diễn ra trong hai ngày 31/1 và 1/2, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm % (tức 25 điểm cơ bản, bps) đúng như thị trường tài chính đã dự báo từ trước.
Sau quyết định này, lãi suất quỹ liên bang của Mỹ sẽ đi từ khoảng 4,25 – 4,5% lên khoảng 4,5 – 4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của Fed kể từ chiến dịch chống lạm phát bắt đầu vào tháng 3/2022.
Việc nâng lãi suất quỹ liên bang có tác động trực tiếp tới chi phí vay qua đêm giữa các ngân hàng, đồng thời gây ảnh hưởng gián tiếp tới mọi loại lãi suất trong nền kinh tế. Quyết định nâng lãi suất thêm 25 bps ngày 1/2 nhỏ hơn nhiều so với đợt tăng 50 bps trong cuộc họp tháng 12 hay tăng 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp trước đó.
Thông cáo báo chí của FOMC sau cuộc họp và phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell có nhiều đoạn mang nghĩa nước đôi. “Lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng vẫn còn ở mức cao”, thông cáo của FOMC viết, đây là những câu chữ không có trong thông cáo của các lần họp trước.
Ông Powell thì nói: “Tôi nghĩ bây giờ chúng ta có thể lần đầu tiên nói rằng quá trình thiểu phát đã bắt đầu”. Thiểu phát có nghĩa là lạm phát giảm xuống, hay nói cách khác là giá cả tăng chậm lại, còn giảm phát nghĩa là giá cả giảm xuống.
“Số liệu lạm phát trong ba tháng qua cho thấy tốc độ tăng giá cả hàng tháng đã đi xuống một cách đáng mừng”, Chủ tịch Fed nói, đồng thời cũng gợi ý về khả năng tiếp tục thắt chặt tiền tệ. “Các chuyển biến gần đây là rất đáng khích lệ, nhưng chúng tôi sẽ cần thêm rất nhiều bằng chứng để có thể tin tưởng rằng lạm phát đang trên con đường đi xuống bền vững”.
Thông cáo của FOMC nói về khả năng nâng lãi suất trong các lần họp tới: “Ủy ban Thị trường Mở Liên bang dự đoán rằng các đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ cần được thực hiện để đạt được một lập trường chính sách tiền tệ đủ thắt chặt nhằm đưa lạm phát về mốc 2%”.
“Vua trái phiếu” Jeffrey Gundlach, CEO công ty quản lý quỹ DoubleLine Capital, cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa rồi sau đó có thể bắt đầu giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2023.
Trong cuộc họp báo sau phiên họp chính sách của FOMC, Chủ tịch Jerome Powell cho rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm 2023 như nhiều chuyên gia dự báo. “Dựa vào dự báo triển vọng của chúng tôi thì tôi cho rằng lãi suất sẽ không giảm trong năm nay”.
Ông Powell cho biết ông “không bận tâm” về việc thị trường trái phiếu đang dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa rồi sau đó tạm dừng. Lý do là một số thành viên thị trường đang dự báo lãi suất giảm nhanh hơn so với nhận định của Fed.
“Nếu quả đúng chúng tôi thấy là lạm phát đang giảm nhanh hơn thì tất nhiên chúng tôi sẽ xem xét việc đó khi ra quyết định chính sách”, Chủ tịch Fed cho hay.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết phiên 1/2 trong sắc xanh sau quyết định lãi suất của Fed. Chỉ số S&P 500 tăng 1,05% lên 4.119 điểm, đảo ngược mức giảm gần 1% trước đó. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2% lên 11.816 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc rớt hơn 500 điểm nhưng kết phiên nhích lên 7 điểm, đạt 34.093 điểm.
2/ Theo Châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng mùa đông – VnExpress–Châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng mùa đông
Châu Âu đang vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay, nhưng các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn nghĩ cách đối mặt mùa đông tiếp theo.
Thời tiết ấm áp hơn, chính sách trợ giá của chính phủ, các kho chứa khí đốt hoạt động hết công suất cùng năng lượng nhập khẩu từ các nước khác đã giúp châu Âu vượt qua mùa đông năm nay khá nhẹ nhàng, hạn chế thiệt hại kinh tế từ hậu quả của xung đột Nga – Ukraine.
Tại Dortmund, thành phố công nghiệp ở phía tây nước Đức, nhà máy bia Veltins học cách thích nghi với khủng hoảng năng lượng và vật giá bằng cách tái sử dụng chai lọ, chuyển đổi một phần lò đốt khí sang lò đốt dầu, đồng thời chi 32,5 triệu USD dự trữ nguyên liệu thô.
“Chúng tôi không phải giảm sản lượng”, Ulrich Biene, phát ngôn viên Veltins, nói.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga trước cuộc xung đột, đã tung ra khoản trợ cấp khổng lồ cho người dân, cố gắng lấp đầy các kho dự trữ và tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng mới khi Moskva cắt khí đốt.
Chính phủ Đức tuần trước bày tỏ hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong năm nay, dù dữ liệu ngày 30/1 cho thấy kinh tế Đức suy giảm nghiêm trọng trong ba tháng cuối năm 2022.
Để tăng cường nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm nay, Đức và các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, dù giá đắt hơn so với khí đốt vận chuyển qua đường ống của Nga.
Theo Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), nhập khẩu LNG ở châu Âu trong năm 2022 tăng 60% so với năm trước.
Kết quả là “các kịch bản tồi tệ nhất cho mùa đông 2022-2023 đã không xảy ra”, Fabian Skarboe Ronningen, nhà phân tích cấp cao về nghiên cứu thị trường điện tại công ty Rystad Energy, nói.
Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức 72% công suất, gấp đôi thời điểm này năm ngoái. Nhiệt độ mùa đông năm nay ở châu Âu cao hơn bình thường, khiến người dân bật lò sưởi muộn hơn, giúp kiểm soát hóa đơn và đảm bảo kho dự trữ ở mức cao.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu năm 2022 giảm 12% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2021, theo tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels.
“Tôi nghĩ rằng điều này thật phi thường”, Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên của Bruegel, nói.
Nguồn cung năng lượng cũng được thúc đẩy nhờ một số lò phản ứng hạt nhân của Pháp tái khởi động. Do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, giá năng lượng châu Âu tăng lên mức kỷ lục hơn 300 Euro/MWh vào tháng 8, trước khi giảm xuống vì chính phủ các nước tăng cường dự trữ.
Giá các hợp đồng tương lai lớn ở châu Âu hiện ổn định ở mức quanh 55 Euro, vẫn gấp đôi so với trước Covid-19. Một số nhà phân tích nhận định sẽ mất nhiều năm để giá năng lượng quay lại mức cũ.
“Mọi con mắt đang dồn về mùa đông 2023-2024”, Ronningen nói, lưu ý nguồn cung từ Nga vẫn bị loại trừ. “Châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào LNG trong năm 2023, khi lượng khí đốt nhập từ Nga trong quý I năm nay rất thấp”.
Nếu nhu cầu của châu Á tăng trở lại, “cuộc cạnh tranh nguồn cung LNG giữa châu Âu và châu Á sẽ gay gắt hơn, có thể dẫn tới giá tăng cao hơn hiện nay”, ông giải thích.
Chuyên gia Tagliapietra, cho rằng châu Âu cần phải “tính đường xa” cho nguồn cung khí đốt của mình, trong khi bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống.
“Tôi cho rằng điều quan trọng là các nước châu Âu phải phối hợp để sớm làm đầy các bể dự trữ, vì chúng ta cần tránh cuộc cạnh tranh mua khí đốt từng diễn ra vào mùa hè năm ngoái”, Tagliapietra nói. “Càng phối hợp, chúng ta càng tiết kiệm được nhiều tiền”.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
3/ Theo Những vấn đề chính rút ra từ hội nghị lịch sử EU – Ukraine | baotintuc.vn– Những vấn đề chính rút ra từ hội nghị lịch sử EU – Ukraine
EU đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine tại hội nghị lịch sử ở Kiev ngày 3/2, nhưng sự giúp đỡ của họ không đáp ứng được đề nghị chính của quốc gia Đông Âu này.
Lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky về một lộ trình nhanh chóng để trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã được ghi nhận nhưng đã không được chấp nhận như mong đợi.
EU cũng cam kết áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 10 đối với Moskva trùng với dịp kỷ niệm một năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Dưới đây là một số vẫn đề chính rút ra từ hội nghị trên:
Thứ nhất, cuộc họp lịch sử thể hiện sự ủng hộ của EU đối với Ukraine. Chuyến thăm cấp cao tới Kiev đã chứng kiến 15 Ủy viên châu Âu gặp gỡ những người đồng cấp Ukraine nhằm thể hiện sự ủng hộ mang tính lịch sử. Lần đầu tiên một sự kiện như vậy diễn ra ở một vùng chiến sự.
Hội nghị cũng diễn ra vào thời điểm gần kỷ niệm một năm cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra và Kiev đang tìm cách tăng cường hỗ trợ chính trị và quân sự từ châu Âu.
“Đây là lần đầu tiên EU tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở một quốc gia đang có xung đột. Và thực tế là phần lớn thành viên của Ủy ban châu Âu đã tới Kiev để tham dự sự kiện này. Điều đó là một bằng chứng cho cam kết của EU đối với Ukraine”, Camille Grand, cựu quan chức cấp cao của NATO và hiện là thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét.
Thứ hai, không có con đường nhanh chóng để trở thành thành viên EU cho Ukraine. Đúng như dự đoán, kết quả của hội nghị không đáp ứng được yêu cầu của Kiev về một quá trình nhanh chóng hướng tới gia nhập EU. Nhưng các nhà lãnh đạo EU ca ngợi cam kết và tiến bộ của Ukraine cho đến nay.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã nói rằng khi đến Kiev rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ “ủng hộ Ukraine từng bước trên hành trình gia nhập EU”.
Ukraine đã được trao tư cách ứng cử viên đầy đủ vào năm ngoái và Kiev gần đây cho biết họ hy vọng sẽ trở thành thành viên đầy đủ của EU vào năm 2026.
Tuy nhiên, EU đã không cam kết về bất kỳ thời điểm nào, thay vào đó nhấn mạnh Ukraine cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống tư pháp và củng cố nền kinh tế. Đồng thời, các cuộc đàm phán tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm của Ukraine vào thị trường EU.
Một số quốc gia thành viên EU đã không đồng ý về thông điệp được gửi tới Kiev, trong đó Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic muốn đẩy nhanh quá trình gia nhập của Ukraine. Nhưng Tổng thống Pháp Macron từng cảnh báo rằng quá trình gia nhập có thể mất “nhiều thập kỷ” và một quan chức cấp cao của EU tuyên bố khối này sẽ không đi chệch khỏi tiến trình của mình.
Tuyên bố chung được công bố vào cuối hội nghị nói rằng EU ghi nhận “những nỗ lực đáng kể” của Ukraine trong việc đạt được các mục tiêu của mình, hoan nghênh những nỗ lực cải cách trong thời điểm khó khăn và khuyến khích việc đăng ký làm thành viên.
Thứ ba, EU sẽ trừng phạt Nga nhiều hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết áp dụng vòng trừng phạt thứ 10 đánh dấu một năm cuộc xung đột nổ ra. Theo bà Leyen, EU và G7 đang đàm phán các chi tiết cuối cùng của kế hoạch áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế được sản xuất tại Nga. Một sáng kiến tương tự đã áp giá trần dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
EU cũng đang xem xét các biện pháp tịch thu tài sản thuộc sở hữu của Nga bị đóng băng trong 9 gói trừng phạt, bao gồm hàng tỷ euro dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ. Khoản tiền thu được từ tịch thu tài sản nhằm chi trả cho việc tái thiết Ukraine, mà Ủy ban châu Âu ước tính trị giá ít nhất 600 tỷ euro.
Thứ tư, EU cam kết viện trợ nhiều hơn cho Ukraine. EU đã thông báo tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Ukraine sẽ được EU huấn luyện lên 30.000 người trong năm nay và hứa cung cấp 25 triệu euro cho các khu vực rà phá bom mìn do Ukraine tái kiểm soát.
Khối đã dành gần 60 tỷ euro viện trợ cho Ukraine, bao gồm gần 12 tỷ euro hỗ trợ quân sự và 18 tỷ euro để giúp điều hành đất nước trong năm 2022.
“Cùng với hỗ trợ quân sự do các nước thành viên EU cung cấp, tổng hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine ước tính gần 12 tỷ euro”, tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị cho biết.