THỊ TRƯỜNG VÀNG CHÍNH THỨC BƯỚC VÀO CHU KÌ TĂNG MỚI.
Cụ thể, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 29/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 1806,44 USD/oz, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2023 giảm 0,1% xuống 1813,70 USD.
Trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường Vàng tiếp tục tăng mạnh mẽ. Trong phiên hiện nay, mỗi oz Vàng trên sàn Thế Giới niêm yết ở mức khoảng 1822 USD. Tức khi qui đổi tương đương theo tỉ giá ngoại tệ hiện hành thì mỗi lượng Vàng trên sàn Thế Giới có giá khoảng 52,33 triệu VND (chưa bao gồm thuế và phí vận chuyển). So sánh với giá Vàng trong nước trong phiên hiện nay, tính trên một lượng Vàng, hai thị trường hiện chênh nhau khoảng 14,373 triệu VND.
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ THẾ GIỚI.
Đồng Dollar Mỹ: Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 29/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,44 xuống 103,9992.
Đồng USD sau khi đạt mức cao nhất trong 1 tuần so với đồng yen hôm 28/12 (134,40 JPY) đã nhanh chóng quay đầu giảm trong ngày 29/12, xuống 133,065 JPY, thấp hơn 1,050% so với đóng cửa phiên trước.
Đồng USD cũng giảm so với franc Thụy Sĩ, có lúc chạm 0,9208 USD/CHF, mức thấp nhất kể từ ngày 31 tháng 3. Kết thúc ngày 29/12, USD vẫn giảm 0,57% so với franc Thụy Sỹ, còn 0,923 USD.
Đồng euro phiên này cũng tăng 0,3% so với USD, lên 1,064 USD/EUR, sau khi giảm 0,27% ở phiên liền trước.
Các nhà đầu tư đang cân nhắc tác động của việc Trung Quốc nhanh chóng nới lỏng các quy tắc nghiêm ngặt về COVID-19 khi số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng.
Sau khi Trung Quốc công bố dỡ bỏ quy tắc kiểm dịch đối với khách du lịch trong nước từ ngày 8/1/2023, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác cho biết họ sẽ yêu cầu xét nghiệm COVID đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Chris Gaffney, chủ tịch của Ngân hàng TIAA cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc là một trong những chìa khóa của năm 2023 và quyết định điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế toàn cầu”.
Ông nói: “Nếu họ có thể phục hồi sau giai đoạn suy giảm nghiêm trọng mà chúng ta đã thấy, thì điều đó sẽ giúp tăng trưởng chung trên quy mô toàn cầu. Nhưng mặt khác, họ cũng có thể khiến nhu cầu năng lượng tăng, mà nhu cầu nhiều hơn có nghĩa là giá sẽ cao hơn”.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài đã giảm 0,23% so với đồng bạc xanh, xuống mức 6,9788 CNH/USD.
Vishnu Varathan, người phụ trách bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho, cho biết: “Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp xét nghiệm bổ sung đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc, phản ánh việc hoạt động du lịch gặp khó khăn trở lại trong bối cảnh Trung Quốc bùng phát dịch bệnh”.
“Điều này cũng có thể làm dấy lên lo ngại về các chủng COVID mới một lần nữa có thể làm gián đoạn quá trình phục hồi trên toàn cầu.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo không nên đọc quá nhiều về biến động giá vào lúc này, trong bối cảnh khối lượng giao dịch thấp khi thị trường bước vào năm mới.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường của sàn giao dịch tiền tệ Oanda, cho biết: “Chúng tôi dường như đang ở chế độ trôi dạt, chờ đợi sang năm mới, khi các nhà giao dịch quay trở lại, và có thể có thêm thông tin mới nhất về những suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách và những dữ liệu cập nhật nhất”.
Ông Gaffney của Ngân hàng TIAA nói thêm rằng các thị trường đã từng trải qua hiện tượng biến động gia tăng vào cuối năm trong lịch sử vì khối lượng giao dịch quá ít.
“Khi chúng ta bước vào giai đoạn cuối năm, thông thường bạn có thể thấy nhiều biến động vào những ngày cuối vì một số quỹ sẽ thu lỗ hoặc thực hiện một số động thái, và thậm chí một quỹ có thể bắt đầu chuyển đổi từ thị trường nọ sang thị trường kia khi lượng giao dịch quá thấp”, ông nói.
Đồng bảng Anh lúc kết thúc ngày 29/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 1,20290 USD, sau khi giảm 0,11% vào ngày hôm trước. Trong phiên, có lúc đồng bảng tăng lên mức 1,206 USD.
Đô la Úc tăng 0,28% so với đồng bạc xanh, lên 0,676 USD/AUD, trong khi đô la New Zealand tăng 0,55% lên 0,634 USD.
Rúp Nga tiếp tục chuỗi những ngày biến động mạnh, lúc đầu phiên lao dốc xuống mức thấp nhất 8 tháng, là 72,9175, do lo ngại những lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga có thể làm hạn chế doanh thu xuất khẩu. Đồng rúp đang trong giai đoạn biến động rất mạnh, và đã mất giá hơn 13% so với đồng USD kể từ khi giá trần mà phương Tây áp lên dầu thô xuất khẩu của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12. Lúc kết thúc phiên 29/12, rúp đã hồi phục trở lại, tăng 0,8% so với phiên liền trước, lên 71,64 RUB/USD. So với euro, rúp cũng tăng 0,6% lên 75,95 RUB/EUR, và so với nhân dân tệ tăng 0,6% lên 10,31 RUB/CNY, dù trước đó chạm mức thấp nhất trong bảy tháng, là 10,326.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá trên thị trường quốc tế nhưng tăng trên thị trường nội địa nhưng khối lượng giao dịch thấp. Đà tăng của đồng tiền này bị hạn chế bởi các nhà đầu tư lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh sau khi Chính phủ dỡ bỏ chính sách Zero Covid, cách đây khoảng 1 tháng.
Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ tăng 103 píp so với phiên liền trước, lên 6,9722 CNY/USD.
Đồng tiền của Trung Quốc cũng đang trên đà kết thúc năm giảm mạnh nhất kể từ 1994, mất 8,85% trong năm nay.
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ TRONG NƯỚC.
Tỷ giá USD sáng nay (30/12), thị trường tự do vẫn lao dốc mạnh so với phiên trước. Các ngân hàng thương mại cũng đảo chiều giảm so với phiên trước.
Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 30/12 ở mức 23.612 đồng, giảm 5 đồng so với mức công bố trước.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đảo chiều giảm so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 55 phút, Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.410 – 23.760 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
BIDV niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.455 – 23.735 đồng/USD, giảm 40 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Techcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.434 – 23.770 đồng/USD, giảm 30 đồng/USD chiều mua vào và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Eximbank niêm yết giá mua – bán USD giao dịch ở mức 23.470 – 23.740 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD chiều mua và giảm 20 đồng/USD chiều bán so với mức niêm yết trước.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tiếp tục giảm mạnh so với phiên trước. Tại thị trường Hà Nội, lúc 9 giờ, đồng USD giao dịch (mua – bán) ở quanh mức 23.692 – 23.772 đồng/USD, giảm 55 đồng/USD chiều mua và giảm mạnh 141 đồng/USD chiều bán ra so với phiên trước.
Đồng USD trên thị trường thế giới, đảo chiều giảm trong giỏ thanh toán quốc tế. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt sáng nay giảm 0,17% so với sáng qua về mức 103.910 điểm, vào lúc 9 giờ 2 phút (giờ Hà Nội).
Tỷ giá các ngoại tệ mạnh khác trong giỏ thanh toán quốc tế tại Vietcombank hôm nay đồng loạt tăng, trong đó france Thụy Sĩ và bảng Anh tăng mạnh.
Cụ thể, tỷ giá đồng EUR đảo chiều tăng 85 đồng/EUR chiều mua và tăng 89 đồng/EUR chiều bán ra so với phiên trước, giao dịch mua – bán tại Vietcombank quanh mức 24.511 – 25.883 đồng/EUR.
Đồng bảng Anh tiếp tục tăng mạnh 106 đồng/GBP chiều mua và tăng 110 đồng/GBP chiều bán so với chốt phiên trước, tại Vietcombank giao dịch mua – bán quanh mốc 27.717 – 28.898 đồng/GBP.
Tỷ giá đồng france Thụy Sĩ, tăng mạnh 126 đồng/CHF chiều mua và tăng 132 đồng/CHF chiều bán so với chốt phiên trước, giao dịch tại Vietcombank mua – bán ở quanh mức 24.928 – 25.991 đồng/CHF.
Đồng đô la Canada, đảo chiều tăng 55 đồng/CAD chiều mua và tăng 57 đồng/CAD chiều bán so với chốt phiên trước, giao dịch mua – bán tại Vietcombank ở quanh mức 16.969 – 17.693 đồng/CAD.
Tỷ giá đô la Úc, tăng 32 đồng/AUD chiều mua và tăng 34 đồng/AUD chiều bán so với chốt phiên trước, tại Vietcombank giao dịch mua – bán ở quanh mức 15.546 – 16.209 đồng/AUD.
Tỷ giá yên Nhật tăng 2 đồng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước, giao dịch mua – bán quanh mốc 163 – 173 đồng/JPY.
ĐIỂM TIN CHÍNH
1/Nhật Bản lần đầu nhập dầu Nga sau nửa năm – VnExpress Kinh doanh– Nhật Bản lần đầu nhập dầu Nga sau nửa năm
Nhật Bản chuẩn bị nhập khẩu lô hàng dầu thô đầu tiên từ Nga kể từ tháng 5, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.
Tàu chở dầu Aframax Zaliv Baikal đang đi đến Nhật Bản sau khi bốc dỡ hàng từ cơ sở Sakhalin-2 ở vùng viễn đông Nga vào thứ tư (28/12). Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp cho biết Nhật đã không nhập khẩu dầu của Nga từ tháng 5.
Lô hàng được đặt mua bởi Taiyo Oil. Công ty có kế hoạch chia lô hàng này để bốc dỡ tại hai bến Kikuma và Namikata.

Một giàn khoan dầu của Nga tại Sakhalin-2. Ảnh: AP
Dù Nhật Bản cùng với các đồng minh phương Tây khác trừng phạt Nga vì cuộc xung đột Ukraine, nước này không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt với dầu mỏ và khí đốt. Chính phủ Nhật cho biết dự án xuất khẩu Sakhalin-2 của Nga là nguồn cung cấp khí hóa lỏng chính của đất nước. Việc sản xuất và nhập khẩu dầu cũng là cần thiết để hoạt động ổn định.
Lô hàng này được vận chuyển sau khi Moskva cấm xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga cho người mua nước ngoài tuân theo chính sách áp giá trần của phương Tây. Nhưng từ tháng trước, Nhật Bản đã cho biết các lô hàng từ dự án Sakhalin-2 sẽ được miễn trừ áp giá trần.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đã giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Nga – đặc biệt là từ dự án dầu khí Sakhalin-1 – kể từ khi xung đột bắt đầu. Các nhà máy lọc dầu của nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.
Đầu tuần này, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết xuất khẩu dầu mỏ của đất nước năm 2022 đạt 242 triệu tấn, tăng 7,5% so với 2021. Cùng với đó, sản lượng khai thác tăng khoảng 2%, lên 535 triệu tấn.
Phiên An (theo Bloomberg)
2/ Trung Quốc mở cửa tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu – VnExpress Kinh doanh-Trung Quốc mở cửa tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu
Việc người Trung Quốc đại lục tăng mua sắm, du lịch có thể giúp Hong Kong, Hàn Quốc hưởng lợi, nhưng giá dầu thế giới cũng sẽ bị kéo lên cao.
Hôm 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ hạ cấp độ ứng phó Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái trên được coi là bước tiếp theo nhằm nới lỏng dần chiến lược “Zero Covid” được Trung Quốc duy trì gần 3 năm qua, chuyển sang sống chung với dịch bệnh.
Thông tin này không chỉ kéo thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên, mà còn có tác động tích cực lên cổ phiếu hàng loạt công ty liên quan đến du lịch và tiêu dùng tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Cổ phiếu Lotte Tour Development sáng nay có thời điểm tăng 7%. Japan Airport Terminal tăng 3,7%. Các hãng mỹ phẩm được ưa chuộng tại Trung Quốc, như Shiseido và Amorepacific cùng tăng 5,7%.
“Chính phủ Trung Quốc đang bước thêm bước nữa để tiến tới mở cửa hoàn toàn. Động thái này có thể tạo ra đà tăng cho nhóm cổ phiếu liên quan đến tiêu dùng Trung Quốc, như mỹ phẩm, giải trí và du lịch”, Han Jiyoung – chiến lược gia tại Công ty Chứng khoán Kiwoom nhận định trên Bloomberg.

Hành khách tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh hồi tháng 3/2022. Ảnh: Reuters
Dù vậy, một báo cáo hồi giữa tháng của Goldman Sachs nhận định Hong Kong, Thái Lan và Singapore mới là các nền kinh tế có thể hưởng lợi lớn nhất khi Trung Quốc bỏ hạn chế về Covid-19 và mở cửa nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là việc này sẽ giúp kéo nhu cầu hàng nhập khẩu và du lịch nước ngoài lên cao.
GDP Hong Kong được dự báo tăng thêm 7,6% nhờ nguồn thu từ xuất khẩu và du lịch. GDP Thái Lan hưởng lợi thêm 2,9%. Tác động này với Singapore nhỏ hơn, vào khoảng 1,2%. Theo sau là Malaysia với 0,7%.
Riêng với Việt Nam, trong báo cáo vừa công bố của Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng, cho rằng Trung Quốc mở cửa trở lại ít tác động với kinh tế Việt Nam hơn các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Nguyên nhân là mức độ tiếp xúc của nước ta với thị trường nội địa Trung Quốc khá khiêm tốn.
“Tác động quan trọng nhất với Việt Nam là lượng khách du lịch có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023”, chuyên gia của VinaCapital nói, đồng thời dự báo đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 2% trong năm sau.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết, ước tính trên dựa vào giả thiết việc Trung Quốc mở cửa sẽ tăng nhu cầu nội địa của nước này thêm 5% và số chuyến bay quốc tế quay về mức năm 2019. “Việc Trung Quốc mở cửa có thể mang lại tác động tích cực nhất lên du lịch quốc tế, rồi đến hàng hóa nhập khẩu”, chuyên gia Goldman Sachs nói.
Chi tiêu du lịch tại Hong Kong có thể tăng tương đương 6% GDP. Tác động này lên Thái Lan vào khoảng 3%. Các con số này có thể còn lớn hơn nếu khách Trung Quốc “chi tiêu bù” sau 3 năm biên giới bị đóng cửa, các nhà kinh tế học cho biết.
Dù vậy, trừ Hong Kong và Singapore, tác động thương mại trực tiếp từ việc Trung Quốc mở cửa lên các nền kinh tế khác ở châu Á là khá nhỏ, chỉ tương đương 0,2 – 0,4%.
Với thị trường hàng hóa, Goldman Sachs cho rằng nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục có thể kéo giá dầu thế giới lên thêm 15 USD một thùng. Chính sách phong tỏa tại Trung Quốc là lý do chủ yếu khiến giá dầu đi xuống thời gian qua. Nhu cầu dầu của nước này năm nay cũng giảm lần đầu tiên trong hai thập kỷ. Vì thế, việc Trung Quốc tái gia nhập thị trường năng lượng sẽ có tác động khổng lồ lên giá cả năm tới.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng vọt, thêm 2,2 triệu thùng một ngày năm tới. Con số này cao đáng kể so với mức tăng sản xuất trung bình của OPEC giai đoạn 2010 – 2019 là 1,5 triệu thùng một ngày. Trung Quốc có thể đóng góp tới 60% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm sau. Forbes cho biết chỉ riêng khả năng Trung Quốc mở cửa đã là lá chắn lớn nhất giúp ngăn chặn suy thoái.
Tuy nhiên, một số quốc gia sẽ không hào hứng với tác động từ việc mở cửa này. Theo Financial Times, trên lý thuyết, tăng trưởng của Trung Quốc tăng tốc sẽ khiến giá hàng hóa tăng mạnh, từ đó gây tác động lan truyền sang các mặt hàng khác.
Ví dụ, các thị trường châu Âu vốn đau đầu vì giá năng lượng cao và chuỗi cung ứng gián đoạn cả năm qua. Tuy nhiên, họ vẫn đang hưởng lợi phần nào vì nhu cầu khí đốt tại Trung Quốc yếu. Việc này giúp họ mua được khí dễ dàng hơn. Nhưng sang năm tới, khi Trung Quốc nhập khí đốt trở lại, nguồn cung sẽ lại căng thẳng và sức ép lạm phát sẽ tăng tốc.
Với người tiêu dùng Mỹ, giá dầu cao sẽ kéo giá xăng trong nước lên. Tiền sưởi ấm cũng sẽ tăng khi mùa đông năm nay, Mỹ đang phải hứng chịu các trận bão tuyết lớn chưa từng có. Nhiều hàng hóa khác sẽ tăng giá theo khi chi phí vận tải và sản xuất lên cao.
Nếu sức ép lạm phát đủ lớn, thị trường sẽ phải nghĩ lại về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng nâng lãi suất trong năm tới. Cơ quan này đã nâng lãi suất 7 lần năm nay, khiến suy thoái trở thành nỗi lo thường trực trên toàn cầu.
Hà Thu – Phương Đông
LỊCH KINH TẾ TRONG NGÀY.
Theo Lịch kinh tế | Tin tức tài chính | Giao dịch trên Mitrade
30/12/2022